
Thẩm quyền giải quyết đối với các vụ, việc về kinh doanh, thương mại được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, bao gồm: Thẩm quyền theo vụ việc, thẩm quyền theo cấp, thẩm quyền theo lãnh thổ và thẩm quyền theo sự lựa chọn của nguyên đơn.
Nội dung
Thẩm quyền theo vụ việc:
Hoạt động kinh doanh, thương mại trong nền kinh tế thị trường diễn ra đa dạng, phong phú từ đó phát sinh những mâu thuẫn, bất đồng giữa các bên là điều khó tránh khỏi.
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khi bị xâm phạm là nghĩa vụ của Nhà nước.
Do đó, Nhà nước phải có cơ chế giải quyết thích hợp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh, thương mại phát triển, đảm bảo trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước. Nhà nước đã giao cho Toà án nhân dân chức năng giải quyết các vụ việc về kinh doanh, thương mại.
Quyền khởi kiện vụ án hay yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình là một trong các quyền cơ bản của cá nhân, tổ chức được pháp luật ghi nhận. Khi Toà án chấp nhận đơn khởi kiện vụ án để giải quyết sẽ làm phát sinh các vụ án: dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính.
Trình tự, thủ tục giải quyết các tranh chấp (vụ án) cũng như các yêu cầu (gọi chung là các vụ việc) về dân sự, kinh doanh, thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động hiện nay được quy định chung trong văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao đó là Bộ luật Tố tụng dân sự được Quốc Hội thông qua ngày 25/11/2015.
Các vụ việc dân sự (theo nghĩa hẹp), vụ việc hôn nhân gia đình, vụ việc kinh doanh, thương mại, vụ việc lao động được Bộ luật Tố tụng dân sự gọi chung là vụ việc dân sự (vụ việc dân sự theo nghĩa rộng) và thủ tục giải quyết các vụ việc này được Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định thành một thủ tục chung đó là thủ tục tố tụng dân sự. Ở đây chỉ đề cập những quy định pháp luật về giải quyết các vụ việc kinh doanh, thương mại.
Theo điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 những tranh chấp về kinh doanh, thương
mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án bao gồm:
- Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa các cá nhân,
tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
- Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức
với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
- Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về
chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty.
- Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, tranh chấp giữa công ty
với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đóc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
- Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền
giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài những tranh chấp về kinh doanh, thương mại còn có những việc khác phát sinh từ hoạt động kinh doanh, thương mại và có thể yêu cầu Toà án giải quyết đó là việc về kinh doanh, thương mại. Theo Điều 31 Bộ luật Tố tụng dân sự thì Toà án có thẩm quyền giải quyết các yêu cầu về kinh doanh, thương mại sau:
- Yêu cầu huỷ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, nghị quyêt của Hội đồng thành
viên theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp
- Yêu cầu liên quan đến việc Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết tranh chấp
theo quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại.
- Yêu cầu về bắt giữ tầu bay, tầu biển theo quy định của pháp luật về hàng không dân
dụng Việt Nam, về hàng hải Việt Nam, trừ trường hợp bắt giữ tầu bay, tầu biển để đảm bảo giải quyết vụ án.
- Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định kinh doanh, thương mại của Toà án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định kinh doanh, thương mại của Toà án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
- Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định kinh doanh, thương
mại của Trọng tài nước ngoài.
- Các yêu cầu khác về kinh doanh, thương mại trừ trương hợp thuộc thẩm quyền giải
quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
Thẩm quyền theo các cấp Toà án:
Khi phát sinh tranh chấp các bên tranh chấp phải xác định Toà án cấp nào có quyền
giải quyết lần đầu để yêu cầu giải quyết.
Theo Điều 35 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về kinh doanh, thương mại giữa các cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau đều có mục đích lợi nhuận.
Theo điều 37, 38 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 Toà kinh tế của Toà án nhân dân cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm tất cả các tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án, trừ các tranh chấp thuộc thẩm quyền của cấp huyện.
Tuy nhiên Toà kinh tế của Toà án nhân dân cấp tỉnh có thể lấy lên để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền của Toà án
cấp huyện.
Đối với các việc về kinh doanh, thương mại muốn yêu cầu Toà án giải quyết thì Toà án cấp huyện có thẩm quyền giải quyết các yêu cầu được quy định tại khoản 1 và khoản 6
của điều 31 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, các yêu cầu được quy định tại khoản 2,3,4,5 điều 31 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 do Toà kinh tế của Toà án nhân dân cấp tỉnh giải quyết.
Thẩm quyền theo lãnh thổ:
Khi đã xác định được Toà án cấp nào có thẩm quyền giải quyết, phải xác định Toà án nhân dân ở địa phương nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ và thi thi hành án, Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:
Toà án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm các vụ án về kinh doanh thương mại là Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc của bị đơn (nếu bị đơn là cá nhân) hoặc nơi bị đơn có trụ sở (nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức).
Để bảo đảm quyền tự định đoạt của các bên, pháp luật tố tụng còn quy định các bên có tranh chấp cũng có quyền tự thoả thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Toà án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn (nếu nguyên đơn là cá nhân) hoặc nơi nguyên đơn có trụ sở (nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức) giải quyết vụ án.
Trường hợp vụ án có đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Toà án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.
Thẩm quyền theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu:
Trong thực tế, nếu chỉ xác định thẩm quyền của Toà án theo cấp và theo lãnh thổ sẽ có trường hợp có nhiều Toà án cùng có thẩm quyền giải quyết một vụ án kinh doanh, thương mại hoặc yêu cầu về kinh doanh, thương mại. Chính vì vậy, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, người yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho nguyên đơn, người yêu cầu khi tiến hành khởi kiện hay yêu cầu, pháp luật còn quy định nguyên đơn có quyền lựa chọn Toà án để yêu cầu giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại hay yêu cầu về kinh doanh, thương mại trong các trường hợp sau đây: (Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).
- Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn, thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi có tài sản, nơi có trụ sở hoặc nơi cư trú cuối cùng của bị đơn giải quyết.
- Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức, thì nguyên đơn có thể
yêu cầu Toà án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết.
- Nếu tranh chấp chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu
Toà án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết;
- Nếu các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau, thì nguyên đơn có
thể yêu cầu Toà án nơi một trong các bị đơn có cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết.
- Nếu tranh chấp đến bất động sản mà bất động sản ở nhiều nơi khác nhau, thì nguyên
đơn có thể yêu cầu Toà án nơi có một trong các bất động sản giải quyết.
Trên cơ sở thẩm quyền của Toà án theo: vụ việc, các cấp Toà án, lãnh thổ, sự lựa chọn của nguyên đơn hay người yêu cầu thì người khởi kiện vụ án hay người yêu cầu Toà án giải quyết việc về kinh doanh, thương mại phải gửi đơn đến đúng Toà án có thẩm quyền để giải quyết.
[…] Xem thêm các bài viết liên quan khác tại đây […]