
Trong bài viết về quyền sở hữu trí tuệ chúng tôi có đề cập tới những đối tượng liên quan của SHTT. Cụ thể bài viết dưới đây chúng tôi xin chia sẽ chi tiết hơn về Quyền tác giả cũng như những vấn đề khác liên quan.
Giống như tất cả các lĩnh vực khác của quyền sở hữu trí tuệ: “quyền tác giả đề cập tới việc bảo hộ các sản phẩm của trí tuệ của con người. Phạm vi quyền tác giả là bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật. Các tác phẩm này bao gồm tác phẩm văn học, âm nhạc, các tác phẩm mỹ thuật như hội họa, điêu khắc, các tác phẩm dựa trên công nghệ như chương trình máy tính, cơ sở dữ liệu điện tử”.
Lưu ý rằng quyền tác giả bảo hộ các tác phẩm, đó là sự thể hiện ý tưởng chứ không phải nội dung ý tưởng đó. Ví dụ thực tế trong tác phầm Chí phèo thì cốt truyện kể về một nhân vật thuộc tầng lớp thấp của xã hội phong kiến nhưng trong tâm trí vẫn luôn khao khát được sống tốt như một người bình thường. Thì tư tưởng nôi dung đó sẽ không được bảo hộ. Các nhà văn hay các nhà làm phim có thể dựa vào nội dung đó sáng tác thành nhiều câu chuyện khác nhau. Tuy nhiên nếu như bạn thể hiện cốt truyện đó thành một vở kịch hay một bộ phim thì nó sẽ được bảo hộ.
Nội dung
- Theo Công ước Berne (1886) – công ước quốc tế lâu đời nhất về quyền tác giả – quy định như sau:
- Một nội dung khác trong công ước Berne nói đến là: “Tác phẩm tái sinh“. Vậy các tác phẩm tái sinh là gì?
- Vậy thì Quyền tác giả bảo hộ ở những quyền nào?
- Chủ sở hữu quyền tác giả có những quyền gì?
- Các quyền được bảo hộ bởi quyền tác giả:
- Quyền nhân thân?
- Vậy để có được quyền tác giả chúng ta cần phải làm như thế nào?
Theo Công ước Berne (1886) – công ước quốc tế lâu đời nhất về quyền tác giả – quy định như sau:
“Thuật ngữ “Các tác phẩm văn học và nghệ thuật” bao gồm tất cả các sản phẩm trong lĩnh vực văn học, khoa học và nghệ thuật, bất kể được thể hiện theo phương thức hay dưới hình thức nào, chẳng hạn như sách, cuốn sách nhỏ, và các bài viết khác; các bài giảng, bài diễn văn, bài thuyết giáo và các tác phẩm cùng loại; các tác phẩm kịch hoặc nhạc kịch, các tác phẩm múa ba-lê hoặc kịch câm; các bản nhạc có lời hoặc không lời; các tác phẩm điện ảnh và các tác phẩm được diễn tả bằng một kỹ thuật tương tự với điện ảnh, tác phẩm đồ hoạ, hội họa, kiến trúc, điêu khắc, chạm trổ và in thạch bản; tác phẩm nhiếp ảnh và các tác phẩm được diễn tả bằng một kỹ thuật tương tự như nhiếp ảnh; các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng, minh họa, bản đồ, đồ án, bản phác hoạ và các tác phẩm ba chiều về địa lý, địa hình, kiến trúc hay khoa học. Các tác phẩm dịch, mô phỏng, soạn nhạc hoặc các hình thức chuyển thể khác từ các tác phẩm văn học và nghệ thuật được bảo hộ như các tác phẩm gốc miễn là không gây phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm gốc. Tuyển tập các tác phẩm văn học và nghệ thuật như các bộ bách khoa toàn thư và các bộ hợp tuyển mà do việc chọn lọc hay sắp xếp nội dung tạo nên sự sáng tạo mang tính trí tuệ cũng được bảo hộ như tác phẩm gốc miễn là không gây phương hại đến quyền tác giả của mỗi tác phẩm tạo nên tác phẩm hợp tuyển hoặc bách khoa toàn thư này.”
Công ước Berne 1986
Các tác phẩm văn học, nghệ thuật không bắt buộc phải là các tác phẩm hay hoặc có tính nghệ thuật. Tuy nhiên, các tác phẩm phải có tính nguyên gốc. Mỗi nước có quy định khác nhau về nội dung của yêu cầu này và thường được xác định theo luật án lệ. Có thể nói một cách khái quát rằng những nước theo truyền thống luật án lệ có yêu cầu rất đơn giản về vấn đề này, chỉ cần tác phẩm đó không phải là bản sao từ một tác phẩm khác và chứng tỏ là tác giả đã đầu tư một số kỹ năng, công sức và nhận xét, đánh giá tối thiểu để tạo ra tác phẩm đó.
Một nội dung khác trong công ước Berne nói đến là: “Tác phẩm tái sinh“. Vậy các tác phẩm tái sinh là gì?
Nó chính là những tác phẩm được dịch sang một ngôn ngữ khác; hay một bản phóng tác phẩm; các hình thức cải biên khác; các tuyển tập các tác phẩm về văn học nghệ thuật.
Lưu ý: Khi bạn cho ra đời một tác phẩm tái sinh thì bạn phải tôn trọng quyền tác giả của tác phẩm gốc và được sự cho phép của chủ sở hữu gốc của tác phẩm đó.
Vậy thì Quyền tác giả bảo hộ ở những quyền nào?
Quyền tác giả là một nhánh của quyền sở hữu trí tuệ. Chủ sở hữu quyền tác giả đối với một tác phẩm được bảo hộ có thể sử dụng tác phẩm theo ý muốn của họ và có thể ngăn cấm người khác sử dụng khi chưa được phép. Vì thế, pháp luật quốc gia thường quy định các quyền của chủ sở hữu đối với tác phẩm được bảo hộ là “các độc quyền”: để sử dụng tác phẩm hoặc cho phép người khác sử dụng tác phẩm, phù hợp với các quyền và lợi ích được công nhận hợp pháp của người khác.
Quyền tác giả bao gồm hai loại quyền: “quyền kinh tế” và “quyền nhân thân“. Quyền kinh tế là quyền cho phép chủ sở hữu được hưởng lợi ích vật chất của người khác trong việc cho họ sử dụng tác phẩm của mình. Còn Quyền nhân thân là quyền cho phép tác giả có những động thái nhất định để bảo vệ mối liên hệ cá nhân giữa tác giả và tác phẩm đó.
Chủ sở hữu quyền tác giả có những quyền gì?
Chủ sở hữu quyền tác giả có một tập hợp các quyền khác nhau được quy định một phần trong Công ước Berne, trong đó có các quyền tối thiểu và một phần được quy định trong pháp luật quốc gia mà các quyền này thường được quy định chi tiết hơn. Theo truyền thống thì quyền sao chép là quyền then chốt và ngẫu nhiên cũng được phản ánh trong từ chỉ quyền tác giả (copyright – quyền sao chép). Quyền sao chép có thể bao hàm hành vi như in sách, cũng như sao chụp nhưng cũng có thể bao hàm các phương thức sao chép hiện đại hơn như thu băng đĩa hoặc sao chép băng đĩa. Quyền này bao hàm cả việc lưu giữ tác phẩm trong bộ nhớ máy tính và đương nhiên là bao hàm cả việc sao chép các chương trình máy tính trong ổ đĩa mềm, đĩa CD-ROMS, đĩa CD-ROMS ghi lại được, v.v.
Một loại quyền khác có lịch sử lâu đời là quyền biểu diễn. Bạn biểu diễn một tác phẩm, chẳng hạn khi bạn chơi một bản nhạc, bạn trình diễn trên sân khấu và theo thời gian quyền đó đã dẫn tới nhiều quyền khác, ví dụ quyền phát sóng và quyền truyền đạt tới công chúng. Quyền truyền đạt tác phẩm tới công chúng thường được quy định rất khác nhau theo luật quốc gia của các nước: thực tế thì việc phát sóng có thể là một dạng của truyền đạt tới công chúng, hoặc có thể là hai khái niệm ngang hàng có mối liên hệ với nhau, nhưng về cơ bản bao gồm tất cả các hình thức truyền đạt, trong đó có hình thức phát sóng và có thể bao gồm cả việc phân phối qua dây cáp cũng như phân phối qua Internet.
Các quyền được bảo hộ bởi quyền tác giả:
a) Quyền sao chép là quyền ngăn cản người khác sao chép các tác phẩm của mình. Một số hành vi sao chép tác phẩm thuộc ngoại lệ của quy định chung, vì những hành vi này không cần đến sự cho phép của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền, hay còn gọi là “các giới hạn” quyền.
b) Quyền biểu diễn, phát sóng và truyền đạt tới công chúng là hình thức biểu diễn tác phẩm bất kỳ tại nơi công chúng có mặt hoặc có thể có mặt hoặc không phải là địa điểm công cộng nhưng có một số lượng người đáng kể không phải là những người trong phạm vi gia đình hoặc quan hệ xã hội thân thiết có mặt. Quyền phát sóng bao gồm hình thức truyền đạt bằng phương tiện không dây tới công chúng nằm trong phạm vi phủ tín hiệu mà với thiết bị của họ (radio, tivi hoặc vệ tinh) sẽ cho phép nhận âm thanh hoặc âm thanh và hình ảnh. Khi một tác phẩm được truyền đạt tới công chúng, một tín hiệu được khuyếch tán qua dây điện hoặc cáp và chỉ những người truy cập vào thiết bị nối với hệ thống dây điện và cáp đó mới nhận được.
c) Quyền dịch và phóng tác là sự cho phép của người sở hữu quyền đó. Dịch có nghĩa là việc thể hiện một tác phẩm bằng một ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ của tác phẩm gốc. Phóng tác thường được hiểu là sự chuyển thể từ tác phẩm này thành tác phẩm khác, ví dụ chuyển thể một cuốn tiểu thuyết thành một tác phẩm điện ảnh, hoặc thay đổi một tác phẩm sao cho phù hợp với các điều kiện khai thác khác nhau.
Ba loại quyền nêu trên chính là quyền kinh tế. Tuy nhiên đối với quyền nhân thân thì lại hoàn toàn khác.
Quyền nhân thân?
Quyền nhân thân bao gồm 2 quyền, trong đó quyền thứ nhất là quyền được đứng tên là tác giả. Đó là quyền khẳng định địa vị tác giả đối với một tác phẩm và được thừa nhận là tác giả. Về cơ bản, đó là quyền được nêu tên của bạn, quyền thứ hai là quyền được tôn trọng, đó là quyền phản đối sự xuyên tạc một tác phẩm hoặc sử dụng tác phẩm theo cách có thể gây phương hại tới danh dự và uy tín về văn học và nghệ thuật của tác giả.
Ví dụ, tác giả có thể phản đối việc sử dụng tác phẩm của mình vì mục đích khiêu dâm, nếu bản thân tác phẩm đó không mang tính khiêu dâm. Tác giả cũng có thể phản đối sự xuyên tạc tác phẩm theo cách làm ảnh hưởng xấu đến tính toàn vẹn về văn hoá và nghệ thuật của tác phẩm.
Vậy để có được quyền tác giả chúng ta cần phải làm như thế nào?
Theo Công ước Berne, bạn không phải làm gì, nghĩa là về nguyên tắc không có thủ tục nào cả. Về cơ bản, tác phẩm của bạn được bảo hộ nhờ sự sáng tạo. Tuy nhiên, một số luật quốc gia, đặc biệt là một số nước theo truyền thống luật án lệ, quy định rằng tác phẩm của bạn phải được định hình trước khi được bảo hộ.
Được định hình, nghĩa là như thế nào?
“Nghĩa là được viết ra hoặc được ghi lại. Thậm chí bạn không phải tự mình ghi lại: nếu bạn sáng tác một giai điệu, ngân nga giai điệu đó trên phố và tôi cố gắng thu âm giai điệu đó thì như vậy là nó đã được định hình. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là giai điệu đó sẽ được bảo hộ, và sau đó nếu tôi sử dụng bản ghi âm giai điệu của bạn hoặc sao chép tiếp bản ghi âm đó thì coi như tôi đã xâm phạm quyền tác giả của bạn. Sự khác nhau ở đây thực sự không quan trọng lắm; về cơ bản, vấn đề là loại chứng cứ mà bạn cần phải đưa ra trước tòa đối với một số tác phẩm không được định hình theo cách thông thường, ví dụ như cuộc trình diễn ba lê”.
Ở các nước thành viên Công ước Berne, tất cả các chủ sở hữu quyền tác giả hoặc tác giả nước ngoài thuộc các nước thành viên khác của Công ước Berne đáp ứng điều kiện để được bảo hộ theo Công ước Berne đều không phải thực hiện bất cứ yêu cầu nào về mặt thủ tục, do vậy không cần phải đăng ký. Một số nước áp đặt các thủ tục này đối với công dân của họ và họ có thể làm như vậy vì các điều ước quốc tế chỉ đề cập đến vấn đề đối xử với công dân nước khác như thế nào. Về nguyên tắc, một quốc gia có thể đối xử với công dân của mình theo cách mà họ cho là hợp lý, ví dụ Hoa Kỳ trước đây có quy định một mặt yêu cầu phải đăng ký tác phẩm với Cơ quan Bản quyền thuộc Thư viện của Quốc hội, mặt khác yêu cầu phải tuyên bố về quyền tác giả thông qua hình thức thông báo về giữ bản quyền, đó chính là chữ cái “c” nằm trong vòng tròn (©) mà bạn có thể bắt gặp ở hầu hết các cuốn sách, kèm theo năm xuất bản tác phẩm lần đầu tiên.
Tựu chung lại quyền tác giả không chỉ đơn thuần là việc chúng ta sáng tạo ra một sản phẩm mà nó còn nhiều quyền liên quan tới việc bảo hộ.
>>Bài viết tham khảo nội dung tại : Công ước Berne 1986, Hiệp đinh Trips, Hiệp ước về biểu diễn và ghi âm WIPO, Hiệp ước về quyền tác giả WIPO
Trả lời