
Độc quyền sáng chế là một trong những dạng lâu đời nhất của bảo hộ sở hữu trí tuệ và giống như tất cả các dạng bảo hộ sở hữu trí tuệ khác, mục đích của hệ thống độc quyền sáng chế là khuyến khích phát triển kinh tế và công nghệ bằng việc tặng thưởng cho sáng tạo trí tuệ.
Nội dung
Bằng độc quyền sáng chế là gì?
Bằng độc quyền sáng chế bảo vệ một sáng chế và dành cho chủ sở hữu được độc quyền để sử dụng sáng chế của họ trong một khoảng thời gian xác định. Sáng chế có thể được định nghĩa là một giải pháp mới đối với một vấn đề kỹ thuật.
Nó được một cơ quan chính phủ (thường là Cơ quan sáng chế) cấp trên cơ sở một đơn yêu cầu, bằng độc quyền sáng chế là một văn bản mô tả một sáng chế và thiết lập một địa vị pháp lý theo đó thông thường sáng chế đó chỉ có thể được khai thác khi có sự cho phép của chủ sở hữu bằng độc quyền sáng chế.
Ví dụ như sáng chế ra bút, điện thoại, máy tính…
Mục đích của độc quyền sáng chế là đưa ra một hình thức bảo hộ cho các cải tiến về kỹ thuật. Về lý thuyết thì sự bảo hộ độc quyền sáng chế sẽ mang lại một phần thưởng không chỉ cho việc tạo ra sáng chế mà còn cho cả sự phát triển một sáng chế đạt đến mức khả thi về mặt công nghệ và có thể đưa ra thị trường được, và kiểu khích lệ này có thể đẩy mạnh thêm nữa tính sáng tạo và khuyến khích các công ty tiếp tục phát triển công nghệ mới đến mức có thể đưa ra thị trường được, có tính hữu dụng cho cộng đồng và đáng giá cho lợi ích công cộng.
Hệ thống độc quyền sáng chế đã được phát triển cách đây vài thế kỷ. Đã có nhiều bằng độc quyền sáng chế từ những năm 1700. Hệ thống đó đã được phát triển trong những năm qua và cho đến giờ chúng ta đã có một hệ thống rất hiện đại. Chúng ta vẫn đang tiếp tục phát triển hệ thống quốc tế để làm cho hệ thống đó ngày càng hiện đại và bắt kịp được sự thay đổi của công nghệ và hệ thống kinh tế đang thay đổi.
Sự bảo hộ của độc quyền sáng chế như thế nào?
Theo các điều ước quốc tế, bằng độc quyền sáng chế có thể được cấp cho mọi sáng chế, có thể là các quy trình hay sản phẩm, trong tất cả các lĩnh vực công nghệ. Một hợp chất hóa học cũng có thể được cấp bằng độc quyền sáng chế. Tất nhiên, một thiết bị máy móc cũng có thể được cấp bằng độc quyền sáng chế.
Các quy trình để phát triển hoặc sản xuất sản phẩm cũng có thể được cấp bằng độc quyền sáng chế. Tuy nhiên, có một số đối tượng không thể được cấp bằng độc quyền sáng chế, và thường được loại trừ khỏi phạm vi bảo hộ sáng chế. Các gen của người, là một trường hợp không thể được cấp bằng độc quyền sáng chế. Những thực thể đã tồn tại trong tự nhiên, với rất ít trường hợp ngoại lệ, không thể được cấp bằng độc quyền sáng chế.
Động cơ vĩnh cửu là đối tượng không thể được cấp bằng độc quyền sáng chế do trái với các quy luật tự nhiên, trừ khi một ai đó có thể chứng minh là nó hoạt động được như vậy. Đương nhiên là trong trường hợp đó, các quy luật cũ bị phủ nhận và quy luật mới được tạo ra. Một số sáng chế có thể bị loại trừ khỏi phạm vi cấp bằng độc quyền sáng chế vì lợi ích cộng đồng hoặc các lý do đạo đức.
Bằng độc quyền sáng chế được dành cho các bước đột phá về công nghệ, nhưng chúng cũng được dành cho các bước tiến kỹ thuật nhỏ, vì vậy những sự phát triển diễn ra trong một lĩnh vực kỹ thuật nào đó có khả năng được cấp bằng độc quyền sáng chế có thể là sự phát triển lớn như sáng chế về penicilin, hoặc những sự cải tiến rất nhỏ như một loại cần điều khiểu máy mới cho phép hoạt động nhanh hơn một chút. Những đối tượng như trên đều có thể được cấp bằng độc quyền sáng chế.
Như vậy, bằng độc quyền sáng chế bảo vệ các sáng chế mới và hữu ích. Bạn vừa được nghe về một số dạng sáng chế có thể được bảo hộ thông qua hình thức bằng độc quyền sáng chế và một số ngoại lệ chung. Để có khả năng được cấp bằng độc quyền sáng chế, sáng chế cũng phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định liên quan đến tính mới và các đặc điểm khác. Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS) quy định ba tiêu chuẩn và điều kiện để một sáng chế có thể được cấp bằng độc quyền.
Tiêu chuẩn để bảo hộ sáng chế?
Một số đặc điểm mà một cơ quan sáng chế sẽ xem xét để xác định sáng chế có khả năng được cấp bằng độc quyền hay không. Trước hết, phải nộp đơn yêu cầu cấp bằng độc quyền sáng chế. Trong hầu hết các trường hợp thì đơn yêu cầu cấp bằng độc quyền sáng chế được thẩm định bởi một chuyên gia kỹ thuật để khẳng định rằng sáng chế đó đáp ứng tiêu chuẩn về mặt nội dung để được cấp bằng độc quyền.
Tiêu chuẩn đầu tiên trong số đó là sáng chế phải mới (có tính mới), có nghĩa là sáng chế đó chưa từng được tạo ra, công bố hay sử dụng trước đó.
Thứ hai là sáng chế phải có trình độ sáng tạo. Nói cách khác, sáng chế phải là một sự cải tiến thực sự so với tình trạng kỹ thuật trước khi nó được tạo ra để sáng chế đó được coi là xứng đáng được cấp bằng độc quyền. Cụm từ “không hiển nhiên” cũng được sử dụng: nếu sáng chế là hiển nhiên đối với một người có trình độ trung bình trong lĩnh vực được đề cập thì sáng chế đó sẽ không phải là sự phát triển đến giai đoạn đáp ứng điều kiện để được cấp bằng độc quyền.
Thứ ba là sáng chế cần có khả năng áp dụng công nghiệp. Sáng chế phải có khả năng sử dụng được theo một số cách thức nào đó. Đây là một tiêu chí rất rộng. Hầu hết mọi vật đều có thể sử dụng được, dù là đang trong giai đoạn nghiên cứu, nhưng như tôi đã đề cập, điều này không áp dụng cho một động cơ vĩnh cửu, đơn giản vì động cơ đó sẽ không hoạt động.
Tựu chung lại: Để có khả năng được cấp bằng độc quyền sáng chế, một sáng chế phải mới, có trình độ sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp.
Bên cạnh đó có một số trường hợp tự nhiên được phát hiện nhưng không phải là sáng chế như việc phát hiện ra một hành tinh mới hay một thực thể nào đó trong vũ trụ thì không thể cấp bằng độc quyền đây được gọi là ” những ngoại lệ“.
Các ngoại lệ đó được quy định rõ trong hệ thống pháp luật quốc gia và Hiệp định Trips:
- Lý thuyết khoa học hay các phương pháp toán học
- Sơ đồ, quy tắc hoặc phương pháp kinh doanh, phương pháp thực hiện các hoạt động trí óc đơn thuần hoặc thực hiện trò chơi.
- Các phương pháp chữa bệnh cho người hoặc động vật hoặc các phương pháp chẩn đoán bệnh (trừ các sản phẩm sử dụng trong việc chẩn đoán có khả năng được cấp bằng độc quyền sáng chế)
- Thực vật hoặc động vật, trừ các chủng vi sinh, và các quy trình chủ yếu mang bản chất sinh học để sản xuất thực vật mà không phải là quy trình không mang tính sinh học và quy trình vi sinh.
- Để được cấp bằng độc quyền sáng chế, trước hết phải nộp đơn yêu cầu cấp bằng độc quyền. Phụ thuộc vào luật áp dụng, cơ quan sáng chế có thể thẩm định đơn đó để xác định các tiêu chuẩn liệt kê ở trên có được đáp ứng hay không trước khi quyết định việc cấp bằng độc quyền sáng chế. Như đã đề cập ở trên, thì có thể có các đối tượng loại trừ và nếu thuộc trường hợp đó đơn sẽ bị từ chối. Có thể thấy danh mục các đối tượng loại trừ đó trong nhiều luật quốc gia.
- Đơn yêu cầu cấp bằng độc quyền sáng chế cũng phải đáp ứng một số yêu cầu về thủ tục khác. Theo quy định chung, bằng độc quyền sáng chế sẽ được cấp cho người nộp đơn đầu tiên. Đây gọi là hệ thống “nộp đơn đầu tiên”. Đó là lý do tại sao ngày nộp đơn của một đơn yêu cầu cấp bằng độc quyền sáng chế lại có ý nghĩa rất quan trọng.
- Cơ quan sáng chế cũng có thể xem xét đơn có bộc lộ đầy đủ sáng chế đến mức một người có trình độ trung bình trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được sáng chế đó hay không. Việc quy định một bản mô tả đầy đủ cho phép một người nào đó thực hiện được sáng chế thường là yêu cầu bắt buộc đối với người nộp đơn để đổi lại những lợi ích mà họ có được từ bằng độc quyền sáng chế.
Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp (1883) là Công ước lâu đời nhất do WIPO quản lý liên quan tới sở hữu công nghiệp đã có quy định về “quyền ưu tiên”. Quyền này có nghĩa là, trên cơ sở đơn hợp lệ đầu tiên được nộp tại một quốc gia thành viên, trong vòng 12 tháng tiếp theo, người nộp đơn có thể nộp đơn yêu cầu bảo hộ vào bất kỳ quốc gia thành viên nào khác. Những đơn nộp sau sẽ được xem là đã được nộp vào ngày nộp đơn đầu tiên. Nói cách khác, những đơn nộp sau sẽ có sự ưu tiên so với các đơn của những người khác cho cùng một sáng chế được nộp trong khoảng thời gian đó.
Lợi ích và thời gian bảo hộ của độc quyền sáng chế
Các lợi ích do được cấp bằng độc quyền sáng chế là chủ sở hữu sáng chế có thể ngăn cản tất cả những người khác không được sản xuất, sử dụng, bán, chào bán hay nhập khẩu sáng chế đó trong phạm vi lãnh thổ mà sáng chế đó được bảo hộ. Điều này không có nghĩa là bằng độc quyền sáng chế sẽ dành cho nhà sáng chế hay chủ sở hữu quyền sử dụng sáng chế đó nếu việc sử dụng có thể là bất hợp pháp – chẳng hạn việc sử dụng một máy đánh bạc – nhưng chủ sở hữu có thể ngăn cấm người khác không được tiếp thị và thu lợi từ sáng chế đó trong một thời hạn nhất định.
Thời hạn bảo hộ sáng chế thường là 20 năm kể từ ngày nộp đơn, và trong thời gian đó, người đã phát triển công nghệ liên quan được trao quyền sở hữu để đổi lại việc họ đã bộc lộ sáng chế một cách đầy đủ cho cộng đồng để có thể sử dụng sáng chế đó. Khi bằng độc quyền sáng chế hết hạn, công nghệ đó trở thành tài sản chung, và mọi người đều có thể tự do sử dụng cho lợi ích của mình.
Trong một số trường hợp, có thể sử dụng độc quyền của chủ sở hữu sáng chế mà không cần sự cho phép của họ.
Trên thực tế trong một số trường hợp, toà án có thẩm quyền hoặc cơ quan sáng chế (phụ thuộc vào luật pháp của quốc gia liên quan) bên thứ ba sử dụng sáng chế đang được bảo hộ thông qua một cơ chế được gọi là li-xăng cưỡng bức (bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng). Theo quy định của Công ước Pari và Hiệp định TRIPS, cơ chế cấp li-xăng cưỡng bức ngăn ngừa sự lạm dụng có thể nảy sinh từ những độc quyền có được từ bằng độc quyền sáng chế. Cơ chế này cũng có thể được áp dụng cho trường hợp không sử dụng sáng chế đã được bảo hộ trong một thời gian nhất định theo quy định của pháp luật (thường là bốn năm kể từ ngày nộp đơn yêu cầu cấp bằng độc quyền sáng chế hoặc ba năm kể từ ngày cấp bằng độc quyền).
Theo một khía cạnh khác, bằng độc quyền sáng chế là một sự thỏa thuận giữa Nhà nước và chủ sở hữu. Với việc cấp một bằng độc quyền sáng chế trên cơ sở đáp ứng tất cả các điều kiện để được cấp bằng độc quyền sáng chế như đã thảo luận ở trên, chủ sở hữu sáng chế nhận được quyền ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế được yêu cầu bảo hộ trong bằng độc quyền sáng chế đó.
Đổi lại, thông qua việc yêu cầu tuân thủ các điều kiện để được cấp bằng độc quyền sáng chế và quy định bảo hộ sáng chế trong một thời hạn xác định, Nhà nước bảo đảm rằng các thông tin liên quan đến sáng chế được bộc lộ công khai và bất kỳ người nào cũng có thể sử dụng sáng chế đó sau khi hết thời hạn bảo hộ. Khoảng thời gian này thường là 20 năm tính từ ngày nộp đơn yêu cầu cấp bằng độc quyền sáng chế.
Bài viết tham khảo tại Cục SHTT Việt Nam
Trả lời