
Trong khoa học pháp lý, nguyên tắc của pháp luật được hiểu là những tư tưởng, quan điểm chính trị – pháp lý chỉ đạo quá trình xây dựng và thi hành pháp luật. Thông thường, các nguyên tắc của pháp luật được chia thành các nguyên tắc cơ bản và các nguyên tắc thông thường. Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật là những tư tưởng, quan điểm chính trị – pháp lý cơ bản, là cơ sở bất di bất dịch của quá trình xây dựng và thi hành pháp luật. Mọi nguyên tắc cụ thể, mọi quy phạm pháp luật phải được xây dựng trên cơ sở và nhằm thực hiện các nguyên tắc cơ bản của pháp luật trong từng lĩnh vực hay nhóm quan hệ xã hội cụ thể. Mỗi ngành pháp luật đều có những nguyên tắc cơ bản của mình.
Nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế hiện đại cũng không nằm ngoài khái niệm chung về nguyên tắc cơ bản của pháp luật. Và như vậy có thể khẳng định nguyên cơ bản của Luật quốc tế hiện đại là tư tưởng, quan điểm chính trị – pháp lý cơ bản chỉ đạo, làm cơ sở xây dựng và thi hành Luật quốc tế hiện đại. Tất cả những văn kiện quốc tế có nội dung trái với những nguyên tắc của Luật quốc tế hiện đại đều không có giá trị pháp lý; những tập quán quốc tế có nội dung trái với các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế hiện đại đều không được công nhận là nguồn của Luật quốc tế.
Trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật của mình, mỗi quốc gia đều tự lựa chọn, xác định những tư tưởng, quan điểm chính trị – pháp lý cơ bản chỉ đạo quá trình đó. Thực chất những tư tưởng, quan điểm chính trị – pháp lý đó là của giai cấp cầm quyền ở quốc gia.
Các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế hiện đại được ghi nhận trong nhiều văn bản pháp Luật quốc tế quan trọng như Hiến chương Liên Hợp quốc, Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Băng – đung của các nước Á – Phi năm 1955, các văn kiện của phong trào không liên kết, định ước Henxinki năm 1975 của các nước châu Âu về an ninh và hợp tác… Song hệ thống các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế hiện đại trình bày trong các văn bản đó không giống nhau.
Xuất phát từ vai trò của các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế hiện đại đối với quá trình phát triển tiến bộ của Luật quốc tế và việc xây dựng trật tự quốc tế mới, năm 1962 Đại hội Đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết về việc soạn thảo một văn bản nhằm pháp điển hóa các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế hiện đại. Văn bản đó là Tuyên bố của Liên Hợp quốc về những nguyên tắc của Luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên Hợp quốc, Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua ngày 24/10/1970. Bản tuyên bố nêu 7 nguyên tắc cơ bản sau:
- Cấm dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực;
- Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình;
- Không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác;
- Các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với nhau;
- Bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia;
- Các dân tộc có quyền bình đẳng và tự quyết;
- Tự nguyện thực hiện các cam kết quốc tế (pacta sunt servanda).
Việc thông qua Tuyên bố của Liên Hợp quốc về các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế hiện đại là kết quả bước đầu của quá trình pháp điển hóa các nguyên tắc đó, thống nhất khẳng định hệ thống và nội dung các nguyên tắc nhằm tạo điều kiện nâng cao hiệu quả thi hành Luật quốc tế hiện đại.
Tuy nhiên, thiếu sót lớn nhất của bản Tuyên bố là không đưa nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia vào hệ thống nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế hiện đại, bởi vì quan hệ quốc tế chủ yếu là quan hệ giữa các quốc gia độc lập, có chủ quyền; không tôn trọng chủ quyền quốc gia thì không thể duy trì và phát triển quan hệ giữa các quốc gia, không thể có sự hợp tác, sự bình đẳng giữa các quốc gia.
Ngay cả trong điều kiện quá trình quốc tế hóa mọi mặt đời sống xã hội tiếp tục phát triển mạnh mẽ, nền kinh tế của các quốc gia tùy thuộc lẫn nhau ngày càng nhiều, vấn đề tôn trọng chủ quyền quốc gia vẫn là vấn đề cốt lõi của quan hệ giữa các quốc gia. Nói cách khác, quá trình quốc tế hóa các mặt đời sống xã hội càng phát triển, tính tùy thuộc giữa các quốc gia ngày càng cao thì càng phải tôn trọng, đề cao chủ quyền của các quốc gia. Chừng nào quan hệ quốc tế còn là quan hệ chủ yếu giữa các quốc gia, chừng đó vấn đề tôn trọng chủ quyền quốc gia còn là nguyên tắc cơ bản số một của Luật quốc tế hiện đại, còn là luật của luật.
Ngoài nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia ra, còn phải đưa nguyên tắc tôn trọng các quyền cơ bản của con người vào hệ thống các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế hiện đại. Giải quyết mọi vấn đề trong xã hội, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội suy cho cùng phải phục vụ con người. Tôn trọng, bảo vệ quyền cơ bản của con người cũng là điều kiện bảo vệ hòa bình, an ninh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Trả lời