
Trong thực tế việc thực hiện giao kết hợp đồng chủ yếu sử dụng các loại hợp đồng chủ yếu như: hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng trao đổi tài sản, hợp đồng tặng cho tài sản, hợp đồng vay tài sản, hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng mượn tài sản, hợp đồng
dịch vụ, hợp đồng vận chuyển, hợp đồng gia công, hợp đồng gửi giữ hợp đồng ủy quyền, hợp đồng về quyền sử dụng đất và hợp đồng hợp tác;
Vậy vấn đề pháp lý của các loại hợp đồng nêu trên là như thế nào? Dưới đây chúng tôi sẽ làm rõ nội dung của từng loại:
Nội dung
- HỢP ĐỒNG MUA BÁN TÀI SẢN
- HỢP ĐỒNG TRAO ĐỔI TÀI SẢN
- HỢP ĐỒNG TẶNG CHO TÀI SẢN
- HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN
- HỢP ĐỒNG THUÊ TÀI SẢN
- HỢP ĐỒNG THUÊ KHOÁN TÀI SẢN
- HỢP ĐỒNG MƯỢN TÀI SẢN
- HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ
- HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN
- HỢP ĐỒNG GIA CÔNG
- HỢP ĐỒNG GỬI GIỮ TÀI SẢN
- HỢP ĐỒNG ỦY QUYỀN
- HỢP ĐỒNG VỀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
- HỢP ĐỒNG HỢP TÁC
HỢP ĐỒNG MUA BÁN TÀI SẢN
a. Khái niệm: Theo Điều 430 BLDS 2015: Hợp đồng mua bán tài sản là sự thoả thuận
giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán
b. Đặc điểm pháp lý của hợp đồng mua bán tài sản:
- Hợp đồng mua bán tài sản là hợp đồng song vụ Trong hợp đồng này cả bên mua và bên bán đều có quyền và nghĩa vụ đối với nhau, trong đó bên bán có quyền yêu cầu bên mua nhận vật và trả tiền, bên mua có quyền yêu cầu bên bán chuyển giao vật và nhận tiền.
- Hợp đồng mua bán là hợp đồng có đền bù: Trong hợp đồng mua bán tài sản, nếu bên bán chuyển giao cho bên mua một tài sản sẽ nhận được một khoản tiền tương ứng với giá trị và giá trị sử dụng của tài sản đó, tương tự như vậy bên mua phải bỏ ra một khoản tiền và nhận về một tài sản có giá trị tương ứng với khoản tiền đã bỏ ra.
- Mục đích của hợp đồng là nhằm chuyển giao quyền sở hữu tài sản từ bên bán sang cho bên mua
HỢP ĐỒNG TRAO ĐỔI TÀI SẢN
Theo Điều 455 BLDS 2015: “Hợp đồng trao đổi tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó các bên giao tài sản và chuyển quyền sở hữu đối với tài sản cho nhau”.
- Hợp đồng trao đổi tài sản là hợp đồng song vụ.
- Hợp đồng trao đổi tài sản là hợp đồng có đền bù.
- Hợp đồng trao đổi tài sản thực chất là hai hợp đồng mua bán tài sản độc lập với nhau. Trong đó, mỗi bên đều là người bán trong hợp đồng này và là người mua trong hợp đồng kia.
- Tài sản đem trao đổi phải thuộc quyền sở hữu của mỗi bên. Khi trao đổi, nếu tài sản đem trao đổi có giá trị khác nhau, các bên phải thanh toán cho nhau phần chênh lệch, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
HỢP ĐỒNG TẶNG CHO TÀI SẢN
Theo Điều 457 BLDS 2005: “Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận”.
Đặc điểm pháp lí của hợp đồng tặng cho:
- Hợp đồng tặng cho thuộc nhóm các hợp đồng có đối tượng là tài sản. Tài sản tặng cho có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá hoặc quyền tài sản.
- Hợp đồng tặng cho tài sản làm chuyển dịch tài sản từ sở hữu của người này sang sở hữu của người khác (từ sở hữu của người tặng cho sang sở hữu của người được tặng cho). Người tặng cho và người được tặng cho là các chủ thể hoàn toàn bình đẳng.
- Hợp đồng tặng cho tài sản là hợp đồng không có đền bù
- Tính chất không có đền bù là đặc tính quan trọng nhất thể hiện bản chất của hợp đồng tặng cho tài sản, bên tặng cho chuyển giao tài sản và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho, còn bên được tặng cho không phải trả lại cho bên tặng cho bất kì một lợi ích nào.
- Đối với tặng cho có điều kiện thì điều kiện do bên tặng cho đưa ra không nhằm mang lại lợi ích cho bên tặng cho
- Hợp đồng tặng cho tài sản là hợp đồng thực tế: Tức là chỉ khi nào bên được tặng cho nhận được tài sản thì hợp đồng tặng cho mới phát sinh hiệu lực. Liên quan đến thời điểm có hiệu lực của hợp đồng tặng cho là thời điểm nhận tài sản tặng cho nên về nguyên tắc, đối tượng của hợp đồng tặng cho là các vật có thực đang tồn tại hiện hữu. Những vật chưa hình thành thì không là đối tượng của hợp đồng này.
HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN
Theo Điều 463 BLDS năm 2015: “Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định”.
Đặc điểm pháp lý:
Hợp đồng vay tài sản có thể là hợp đồng đơn vụ hoặc hợp đồng song vụ.
- Hợp đồng vay là hợp đồng đơn vụ nếu hợp đồng vay không có lãi suất, bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay hoàn trả vật cùng loại tương ứng với số lượng, chất lượng của tài sản cho bên cho vay. Bên vay không có quyền gì đối với bên cho vay.
- Hợp đồng vay là hợp đồng song vụ nếu hợp đồng vay có lãi suất, bên cho vay có nghĩa vụ chuyển tiền đúng thời hạn, nếu vi phạm phải chịu trách nhiệm pháp lý phát sinh theo thỏa thuận các bên hoặc theo quy định pháp luật.
Hợp đồng vay tài sản là hợp đồng chuyển quyền sở hữu: Bên vay có quyền sở hữu đối với tài sản (đây là điểm khác biệt đối với hợp đồng mượn). Tuy tài sản thuộc sở hữu bên vay nhưng các bên có thể thỏa thuận về việc bên vay phải sử dụng tài sản vay đúng mục đích. Bên cho vay có quyền kiểm tra việc sử dụng tài sản và có quyền đòi lại tài sản vay trước thời hạn, nếu đã nhắc nhở mà bên vay vẫn sử dụng trái mục đích.
Có thể là hợp đồng có đền bù nếu hợp đồng vay có lãi hoặc không có đền bù nếu hợp đồng vay không có lãi.
Có thể là hợp đồng ưng thuận (Ví dụ: Hợp đồng vay tín dụng) hoặc hợp đồng thực tế (Ví dụ: Hợp đồng vay mang tính chất giúp đỡ, tương trợ không có lãi).
HỢP ĐỒNG THUÊ TÀI SẢN
Theo Điều 472 BLDS năm 2015: “Hợp đồng thuê tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó, bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê sử dụng trong một thời hạn, còn bên thuê phải trả tiền thuê”
Đặc điểm pháp lý:
Hợp đồng thuê tài sản thuộc nhóm các hợp đồng dân sự có đối tượng là tài sản chuyển giao nhưng không chuyển giao quyền sở hữu. Trong hợp đồng thuê tài sản, Bên thuê được quyền chiếm giữ và sử dụng tài sản thuê. Việc sử dụng tài sản được hiểu theo nghĩa là khai thác từ tài sản thuê những đặc tính hữu ích mà không làm thay đổi cấu trúc của tài sản. Tất cả mọi kết quả, mọi lợi ích hay lợi nhuận thu được từ việc sử dụng đó trong thời gian thuê phải thuộc về bên thuê. Điều đó là hiển nhiên bởi vì mục đích cuối cùng của việc thuê tài sản đối với bên thuê không phải chỉ là sử dụng tài sản thuê, mà chính là thông qua việc sử dụng thu lợi ích hay kết quả cần thiết từ tài sản thuê.
Hợp đồng thuê tài sản là hợp đồng luôn có đền bù: Khoản tiền mà bên thuê phải trả cho bên có tài sản cho thuê là khoản đền bù. Khoản tiền thuê nhiều hay ít do sự thoả thuận của các bên và thường dựa trên căn cứ thời hạn thuê, vật thuê và giá trị sử dụng của vật thuê.
Hợp đồng thuê tài sản là hợp đồng song vụ:
- Bên thuê có nghĩa vụ trả lại tài sản thuê, tiền thuê đúng thời hạn và có quyền yêu cầu bên cho thuê giao tài sản thuê theo đúng thoả thuận.
- Bên cho thuê có quyền yêu cầu bên thuê sử dụng tài sản đúng mục đích, công dụng, thời hạn, phương thức và trả lại tài sản thuê, tiền thuê.
Là hợp đồng ưng thuận: Hợp đồng phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm giao kết trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng không phụ thuộc vào thời điểm bàn giao tài sản thuê. Việc bàn giao tài sản thuê ở đây chỉ được coi là hành vi của bên cho thuê nhằm thực hiện hợp đồng thuê tài sản đã ký kết và có hiệu lực thi hành mà thôi.
HỢP ĐỒNG THUÊ KHOÁN TÀI SẢN
Theo Điều 483 BLDS năm 2015: “Hợp đồng thuê khoán là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê khoán giao tài sản cho bên thuê để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản đó và có nghĩa vụ trả tiền thuê”.
Đặc điểm:
Đối tượng của hợp đồng là tư liệu sản xuất.
- Thời hạn của hợp đồng theo chu kỳ sản xuất kinh doanh.
- Mục đích của thuê khoán là khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản đó.
HỢP ĐỒNG MƯỢN TÀI SẢN
Theo Điều 494 BLDS 2015: “Hợp đồng mượn tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, còn bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được”.
Đặc điểm đồng mượn tài sản:
- Là hợp đồng không có đền bù.
- Là hợp đồng đơn vụ.
HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ
Theo Điều 513 BLDS năm 2015: “Hợp đồng dịch vụ là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, còn bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ”
Đặc điểm hợp đồng dịch vụ:
- Bên cung ứng dịch vụ phải thực hiện các hành vi pháp lí nhất định và giao kết quả cho bên thuê dịch vụ.
- Là hợp đồng có tính đền bù: Tính đền bù này được ghi nhận trong quy định của Điều 513 BLDS năm 2015 rằng “bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ”.
- Là hợp đồng song vụ: Cả bên cung ứng dịch vụ lẫn bên sử dụng dịch vụ đều có quyền và nghĩa vụ của mình. Quyền của bên này tương ứng với nghĩa vụ của bên kia và ngược lại.
HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN
Hợp đồng vận chuyển hành khách là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển chuyên chở hành khách, hành lý đến địa điểm đã định theo thoả thuận, còn hành khách phải thanh toán cước phí vận chuyển.
Đặc điểm
- Là hợp đồng song vụ.
- Là hợp đồng có đền bù
Theo Điều 530 BLDS 2015: “Hợp đồng vận chuyển tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã quy định theo thoả thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, còn bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển”.
Đặc điểm:
- Là hợp đồng song vụ, theo đó cả bên thuê vận chuyển và bên vận chuyển đều có quyền và nghĩa vụ với nhau. Quyền của một bên tương ứng với nghĩa vụ của bên kia và ngược lại.
- Là hợp đồng có đền bù. Tính chất đền bù của hợp đồng vận chuyển tài sản thể hiện ở việc bên thuê vận chuyển phải trả “cước phí vận chuyển”
HỢP ĐỒNG GIA CÔNG
Theo Điều 542 BLDS 2015: ”Hợp đồng gia công là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên nhận gia công thực hiện công việc để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công, còn bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền công”.
Đặc điểm
- Là hợp đồng song vụ: Cả bên đặt gia công và bên gia công đều có quyền và nghĩa vụ. Quyền của bên này tương ứng với nghĩa vụ của bên kia và ngược lại.
- Là hợp đồng có đền bù: Bên đặt gia công có nghĩa vụ phải trả tiền công cho bên thuê theo thỏa thuận. Việc không có thỏa thuận không được hiểu là không có đền bù.
- Kết quả được vật thể hoá: Vật được xác định trước theo mẫu, theo một tiêu chuẩn do các bên thoả thuận hoặc pháp luật có quy định trước. Vật mẫu chỉ được hiện thực hoá sau khi bên nhận gia công hoàn thành công việc gia công.
- Hợp đồng gia công còn mang đặc điểm của hợp đồng mua bán nếu nguyên vật liệu là của bên nhận gia công. Khi đó, bên đặt gia công vừa phải trả tiền mua nguyên vật liệu, vừa phải trả tiền thuê gia công.
HỢP ĐỒNG GỬI GIỮ TÀI SẢN
Theo Điều 554 BLDS 2015: ”Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi giữ khi hết thời hạn hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công”.
Đặc điểm
- Là hợp đồng song vụ: Một bên trong hợp đồng gửi giữ đều có quyền và nghĩa vụ của mình. Quyền của bên này tương ứng với nghĩa vụ của bên kia và ngược lại. Bên nhận gửi giữ có nghĩa vụ chính là bảo quản giữ gìn tài sản gửi giữ. Còn bên gửi giữ có nghĩa vụ trả tiền công gửi giữ.
- Là hợp đồng có đền bù hoặc không có đền bù: Chính bởi vậy yếu tố giá cả được coi là điều khoản cơ bản của hợp đồng gửi giữ. Nếu như các bên trong hợp đồng gửi giữ không có thỏa thuận về tiền công thì hợp đồng sẽ được hiểu là không có đền bù. Còn nếu như các bên có thỏa thuận về tiền công mà chưa thỏa thuận rõ cụ thể bao nhiêu thì khi đó hợp đồng gửi giữ được coi là có đền bù và tiền công khi đó sẽ được xác định theo mức giá trung bình của việc gửi giữ cùng loại.
HỢP ĐỒNG ỦY QUYỀN
Theo Điều 562 BLDS 2015: ”Hợp đồng uỷ quyền là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền, bên uỷ quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định”.
Đặc điểm hợp đồng ủy quyền
- Là hợp đồng song vụ.
- Là hợp đồng có đề bù hoặc không có đền bù.
- Là hợp đồng làm phát sinh hai mối quan hệ đồng thời, đó là quan hệ giữa bên uỷ quyền với bên được uỷ quyền và quan hệ giữa bên được uỷ quyền với bên thứ ba
HỢP ĐỒNG VỀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Theo Điều 500 BLDS năm 2015: “Hợp đồng về quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó người sử dụng đất chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất hoặc thực hiện quyền khác theo quy định của Luật đất đai cho bên kia; bên kia thực hiện quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng với người sử dụng đất”.
Nội dung của hợp đồng về quyền sử dụng đất
- Quy định chung về hợp đồng và nội dung của hợp đồng thông dụng có liên quan trong Bộ luật này cũng được áp dụng với hợp đồng về quyền sử dụng đất, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Nội dung của hợp đồng về quyền sử dụng đất không được trái với quy định về mục đích sử dụng, thời hạn sử dụng đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Hình thức, thủ tục thực hiện hợp đồng về quyền sử dụng đất
- Hợp đồng về quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản theo hình thức phù hợp với quy định của BLDS năm 2015, pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Việc thực hiện hợp đồng về quyền sử dụng đất phải đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Hiệu lực của việc chuyển quyền sử dụng đất
- Việc chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký theo quy định của Luật đất đai.
HỢP ĐỒNG HỢP TÁC
Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.
Các chế độ pháp lý của hợp đồng hợp tác
- Hình thức của hợp đồng hợp tác: Hợp đồng hợp tác phải được lập thànhvăn bản.
- Nội dung của hợp đồng hợp tác: Hợp đồng hợp tác có nội dung chủ yếu sau đây: Mục đích, thời hạn hợp tác; Họ, tên, nơi cư trú của cá nhân; tên, trụ sở của pháp nhân; Tài sản đóng góp, nếu có; Đóng góp bằng sức lao động, nếu có; Phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức; Quyền, nghĩa vụ của thành viên hợp tác; Quyền, nghĩa vụ của người đại diện, nếu có; Điều kiện tham gia và rút khỏi hợp đồng hợp tác của thành viên, nếu có; Điều kiện chấm dứt hợp tác.
- Tài sản chung của các thành viên hợp tác: Tài sản do các thành viên đóng góp, cùng tạo lập và tài sản khác theo quy định của pháp luật là tài sản chung theo phần của các thành viên hợp tác. Trường hợp có thỏa thuận về góp tiền mà thành viên hợp tác chậm thực hiện thì phải có trách nhiệm trả lãi đối với phần tiền chậm trả theo quy định tại
Điều 357 của Bộ luật này và phải bồi thường thiệt hại. Việc định đoạt tài sản là quyền sử dụng đất, nhà, xưởng sản xuất, tư liệu sản xuất khác phải có thỏa thuận bằng văn bản của tất cả các thành viên; việc định đoạt tài sản khác do đại diện của các thành viên quyết định, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Không được phân chia tài sản chung trước khi chấm dứt hợp đồng hợp tác, trừ trường hợp tất cả các thành viên hợp tác có thỏa thuận. Việc phân chia tài sản chung quy định tại khoản này không làm thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ được xác lập, thực hiện trước thời điểm tài sản
được phân chia.
Kết luận lại chúng ta có thể thấy có rất nhiều các loại HĐ thông dụng trong thực tế, tuy nhiên vấn đề pháp lý liên quan từng loại là vấn đề không đơn giản như lý thuyết của nó, thực tế đã có rất nhiều sai sót và tranh chấp diễn ra trong các loại hợp đồng nói trên.
Nguyên nhân chính là việc chúng ta còn chưa hiểu một cách chính xác pháp lý của các loại HĐ đó, để giải quyết vấn đề đó doanh nghiệp đã phải nhờ đến bên công ty pháp lý để hỗ trợ để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Hãy liên hệ với chúng tôi hoặc có thể đặt câu hỏi (add zalo số điện thoại phần liên hệ để được tư vấn cụ thể miễn phí)
Trả lời